Sự kiện nào kết thúc chiến tranh Thế Giới Thứ Hai?

Đâu là nguyên nhân quan trọng nhất góp phần kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2?

Ngày 30/06/2007, ông Fumio Kyuma, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong bài nói chuyện tại một trường đại học ở Tokyo cho rằng việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki “có thể khiến Tokyo đầu hàng, từ đó ngăn Liên Xô tuyên chiến với Nhật” và là “chuyện không thể tránh khỏi để chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai”. Ông còn nói thêm rằng những vụ ném bom đó “là việc không thể đừng được”.

Tuyên bố của ông Fumio Kyuma không chỉ gây bất bình trong dư luận xã hội ở Nhật Bản mà còn phủ nhận sự thật lịch sử về một trong những cuộc chiến tranh vĩ đại nhất của nhân loại nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và diệt chủng. Thời gian qua, một số tờ báo ở Mỹ và một số nước Phương Tây cũng cho rằng hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hirosima và Nagasaki ngày 6 và ngày 9/8/1945 “có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu nhất trong lịch sử loài người”. Họ còn cho rằng “Liên Xô không cần tham chiến ở Viễn Đông vì Mỹ và đồng minh hoàn toàn có khả năng đánh bại quân Nhật”.

Vậy, sự thật thế nào?

Về sự kiện này, Đại tướng Mahmud Gareev, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga đã có bài viết cho Hãng thông tấn Nga “Novosti”. Theo Đại tướng Mahmud Gareev, nhận xét sai sự thật trên đây của một số tờ báo ở Phương Tây nằm trong chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc đổi trắng thay đen, có dụng ý xấu về thực tế lịch sử của Chiến tranh thế giới thứ hai. Có các chứng cứ được ghi lại bằng giấy trắng mực đen không thể bác bỏ được để khẳng định điều đó.

Chứng cứ lịch sử thứ nhất, chính Tổng thống Mỹ, ông Roosevelt và Thủ tướng Anh, ông Churchill, trong các cuộc Hội nghị với Stalin, người đứng đầu nhà nước Liên Xô, ở Teheran năm 1943 và Yanta năm 1944 đã đề nghị Liên Xô mở chiến dịch tiến công quân Nhật. Stalin đã cam kết, Liên Xô sẽ thực hiện yêu cầu đó của chính phủ Mỹ và Anh. Tại Hội nghị ở Potsdam năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman, người kế nhiệm ông Roosevelt, cũng nhận được lời cam kết của Stalin rằng Hồng quân Liên Xô sẽ tiến hành chiến dịch tiến công đội quân Quan Đông của Nhật sau 3 tháng kể từ khi phát xít Đức đầu hàng. Đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch tiến công tuyến phòng ngự của quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu Lý. Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự biết rất rõ vì sao Mỹ lại kiên quyết đề nghị Liên Xô tham chiến chống phát xít Nhật. Tháng 8/1945, quân đội Nhật ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn đông tới khoảng 7 triệu người, với 10.000 máy bay, 500 tầu chiến. Quân đội đồng minh chỉ có khoảng 1,8 triệu người và 5.000 máy bay. Nếu như Liên Xô không tham chiến với quân Nhật thì các lực lượng chủ yếu và thiện chiến nhất của đội quân Quan Đông có thể tập trung mũi nhọn chống lại Mỹ và lúc đó cuộc chiến tranh sẽ không chỉ kéo dài 1 tháng, mà ít nhất là 1 hoặc 2 năm với tổn thất mà quân Mỹ phải chịu đựng sẽ vượt quá con số 1 triệu người. Bộ Quốc phòng Mỹ đã từng khẳng định với tổng thống Mỹ về khả năng đó. Bản thân Tổng thống Mỹ Harry Truman lúc đầu cũng chưa nhìn thấy hết ý nghĩa của việc Liên Xô phải tham chiến chống Nhật, nhưng các tướng lĩnh ở Lầu Năm Góc đã thuyết phục được ông.

Chứng cứ lịch sử thứ hai, việc đập tan đội quân Quan Đông của Nhật, giải phóng khu vực Mãn Châu Lý ở Đông Bắc của Trung Quốc và Triều Tiên, đã đập tan cơ sở kinh tế quân sự của Nhật Bản ở Châu Á và địa bàn tiến công của Nhật Bản nhằm vào Liên Xô và Mông Cổ, tạo điều kiện cho những người yêu nước ở Trung Quốc giải phóng đất nước họ. Ngoài ra, quân đội Liên Xô còn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho biên giới Viễn Đông. Trong suốt 1.415 ngày cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Liên Xô buộc phải duy trì 40 sư đoàn tinh nhuệ dọc tuyến biên giới đó, trong khi những lực lượng này rất cần cho họ trên mặt trận Xô – Đức, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các chiến dịch ở ngoại ô Moscow, ở Stalingrad và ở Kursk. Một số nhà nghiên cứu Phương Tây khẳng định sai sự thật rằng quân Nhật không hành động gì dọc biên giới Liên Xô và không có ý định tiến công Liên Xô. Đội quân Quan Đông của Nhật đã nhiều lần khiêu khích vũ trang, xâm phạm biên giới trên bộ và trên biển của Liên Xô, máy bay của chúng thường xuyên xâm phạm không phận Liên Xô. Từ năm 1941 đến năm 1945, đã có trên 1.000 lần quân Nhật xâm phạm lãnh thổ Liên Xô. Phía Nhật Bản đã có 178 lần bắt giữ tàu buôn của Liên Xô và đánh chìm 18 tầu trong số đó.

Chiến dịch tiến công chiến lược của Hồng quân Liên Xô nhằm vào Mãn Châu Lý ở Viễn Đông kéo dài từ ngày 9/8/1945 đến ngày 2/9/1945 là một trong những trang sử oai hùng nhất trong lịch sử nghệ thuật quân sự thế giới. Chiến dịch triển khai với chính diện kéo dài 5.000 km, sâu 200-800 km, trên một chiến trường vô cùng phức tạp gồm địa hình sa mạc, thảo nguyên, đồi núi, đầm lầy, băng tuyết, có nhiều con sông lớn đi qua như sông Amur và sông Dương Tử. Hồng quân Liên Xô đã đập tan đội quân Quan Đông mạnh nhất và đông nhất của Nhật Bản ở Mãn Châu Lý đông tới hàng triệu người, với 1.115 xe tăng, 5.360 pháo, 1.800 máy bay chiến đấu và 25 tàu chiến cùng với một hệ thống công sự bằng bê tông chằng chịt nối liền với nhau bởi hệ thống giao thông hào ngầm dưới đất chứa nguồn dự trữ lương thực và nước đủ để hàng triệu binh sỹ chiến đấu liên tục trong nhiều tháng. Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 84.000 lính và sỹ quan Nhật Bản, bắt làm tù binh khoảng 700.000 lính Nhật. Ít có chiến dịch nào trong Chiến tranh thế giới thứ hai giành được chiến thắng vang dội như thế.

Cuộc tiến công chiến lược ở Mãn Châu Lý không chỉ thể hiện sức mạnh ngày càng lớn của Hồng quân Liên Xô tích luỹ được vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai mà còn chứng tỏ nghệ thuật quân sự ưu việt của các tướng lĩnh Liên Xô, thể hiện trước hết ở việc cấp tốc di chuyển 400.000 chiến sỹ và sỹ quan, trên 7.000 pháo và 1.100 máy bay từ mặt trận phía Tây sang phía Đông với sự hỗ trợ của 136.000 toa tàu mà tình báo Nhật Bản không phát hiện được mặc dù chúng có mạng lưới điệp báo rất mạnh ở Viễn Đông. Khi Bộ chỉ huy Liên Xô lập kế hoạch mở đầu tiến công quân Nhật vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/8/1945, viên chỉ huy tình báo Tập đoàn quân số 5 của Nhật Bản báo cáo tin này cho Tư lệnh Yamada, thì viên tướng này đã viết nhận xét vào bản báo cáo của người chỉ huy tình báo Nhật những dòng sau đây: “Chỉ có người nào điên rồ mới quyết định tiến công vào Primorie vào tháng 8 trong thời tiết mưa dầm và mọi con đường đều không thể đi lại được”. Nhưng Hồng quân Liên Xô đã quyết định tiến công và giành chiến thắng với vô vàn gian khổ và có sự giúp đỡ không nhỏ của người dân Trung Quốc. Không có ai ép buộc người dân Trung Quốc phải giúp đỡ Hồng quân Liên Xô, nhưng do sống dưới ách tàn bạo của phát xít Nhật nên khi gặp những đoàn quân giải phóng, họ nhất loạt ra đường cùng kéo pháo, xe tăng và trang thiết bị mắc kẹt trên những đoạn đường lầy lội bùn đất trong thời tiết mưa dầm mùa thu.

Ngày 2/9/1945, tuần dương hạm của Mỹ “Mitsuri” đậu trên Vịnh Tokyo chứng kiến đại diện toàn quyền của chính phủ Nhật Bản ký kết Hiệp ước đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện trước đại diện các nước đồng minh chống phát xít là Liên Xô và Mỹ, đánh dấu thời điểm cuối cùng kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài gần 6 năm và làm thiệt mạng hơn 50 triệu người. Liên Xô cùng với các nước đồng minh đã chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhân đây, có thể rút ra một bài học chủ chốt từ cuộc chiến này là: các nước dẫn đầu thế giới chỉ có thể chiến thắng tội ác khi hợp lực với nhau, dù đó là chủ nghĩa phát xít Đức, chủ nghĩa quân phiệt Nhật, hoặc ngày nay là chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Không có sự đoàn kết đó thì không thể chiến thắng tội ác trên quy mô toàn cầu./.

Đề xuất