Sự bùng nổ dân số, suy thoái môi trường, đói nghèo tiếp tục gia tăng đe dọa hàng chục nước đang và chậm phát triển.
Trong những thập kỷ gần đây, dân số trên thế giới tăng với tốc độ nhanh. Càng những năm về sau, dân số thế giới càng tăng nhanh, thời gian dân số tăng thêm 1 tỷ người ngày càng rút ngắn. Năm 1998, dân số thế giới đã đạt 6 tỷ người, năm 2011 dân số thế giới đạt 7 tỷ người, hiện nay trung bình mỗi năm dân số thế giới tăng thêm 100 triệu người. Dự kiến trong những năm tới tốc độ đó sẽ còn nhanh hơn nữa và có thể ổn định vào năm 2025, khi dân số thế giới đạt khoảng 10 tỷ người. Các nước đang phát triển phần lớn là những nước nghèo lại chiếm hơn 90% dân số thế giới và trên 95% dân số tăng hằng năm của thế giới. Vì vậy đã dẫn đến sự bùng nổ dân số ở các nước này. Trong đó, những nước nghèo ở châu Phi và khu vực Nam Á lại là những nước có tỷ lệ gia tăng dân số cao, hiện nay vẫn ở mức 2.53% (năm 2016), nhiều nước nghèo như Uganda, Kenya có mức tăng dân số tới trên 3%.
=> Xem thống kê dân số thế giới
Dân số đông và tăng nhanh ở các nước đang phát triển được coi là nguyên nhân của mọi vấn đề tiêu cực như: kìm hãm sự phát triển kinh tế, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, giảm sút chất lượng cuộc sống, đói nghèo. Để bảo đảm đời sống cho số dân đông, tăng nhanh, các nước đang phát triển đã tăng cường khai thác tài nguyên, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết quả đã làm cho nguồn tài nguyên cả tự nhiên và nhân văn của các nước này đang bị cạn kiệt, suy thoái.
Hiện nay, mỗi năm các nước đang phát triển có khoảng 10-20 triệu ha đất canh tác do khai thác và sử dụng không hợp lý đã bị hoang mạc hóa hoặc thoái hóa. Trước năm 1950, diện tích rừng tự nhiên của các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% diện tích đất tự nhiên, đến nay ở nhiều nước không còn đến 30% diện tích đất có rừng. Năm 2000, ở châu Phi chỉ còn khoảng 15%, ở Trung Quốc cũng chỉ có 17% diện tích đất tự nhiên có rừng che phủ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do khai thác rừng bừa bãi để lấy gỗ, đốt nương làm rẫy.
Nhiều nước đang phát triển vẫn tiếp tục khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô, các nước OPEC sản xuất và xuất khẩu 40% sản lượng dầu của thế giới.
Ở nhiều nước khác, do nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế – xã hội đã đẩy mạnh việc khai thác các loại tài nguyên khoáng sản và xuất khẩu sang các nước phát triển. Giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới ngày càng tăng, có nghĩa là các nước đang phát triển càng xuất khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu thì thiệt hại về lợi ích kinh tế càng lớn.
Nhiều nước đang phát triển những năm gần đây coi trọng và đầu tư cho phát triển du lịch. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực có chất lượng cao nên nhiều nước đã phát triển du lịch theo hướng không bền vững. Phát triển du lịch không đi đôi với bảo tồn, tôn tạo tài nguyên, không gắn với xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đều bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm, xói mòn truyền thống văn hóa, giảm sút chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nghèo.
Do dân số đông và tăng nhanh đã dẫn đến chất thải từ sinh hoạt và sản xuất ngày càng nhiều, chi phí cho làm sạch môi trường thấp nên ở các nước đang phát triển tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), hiện nay trên thế giới có 40% dân số không được hưởng các điều kiện vệ sinh cơ bản và hơn 1 tỷ người trên thế giới chủ yếu ở các nước đang phát triển phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Dân số đông và tăng nhanh trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều hạn chế nên các khoản chi tiêu quốc gia cao hơn mức thu nhập, vì vậy ở các nước đang phát triển có mức lạm phát cao và nợ nước ngoài ngày càng nhiều. Mức lạm phát hằng năm thời kỳ 1996 – 2005 của châu Phi là 12,3% ; Trung Đông là 9,6% ; Mỹ La Tinh là 9,1%. Năm 1970, nợ nước ngoài của các nước đang phát triển mới có 610 tỷ USD, nhưng đến năm 2004 đã lên tới 2.724 tỷ USD.
Dân số tăng nhanh, lạm phát, nợ nước ngoài, tỷ lệ thất nghiệp cao, các dự án đầu tư kém hiệu quả, tài nguyên cạn kiệt là những nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng cuộc sống của dân cư giảm sút và đói nghèo gia tăng ở các nước đang phát triển.
Theo đánh giá gần đây của Liên Hợp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 550 triệu người nghèo có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày, trong đó có tới 238 triệu thanh niên. Ngay tại các nước đang phát triển ở châu Á, nơi được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế ở nhóm các nước đang phái triển, số nguời nghèo có mức thu nhập 2 USD/ngày chiếm tới 1,91 tỷ. Ở châu Á cũng chiếm 60% dán số có mức thu nhập 1 USD/ngày trên toàn thế giới, trong đó tại Trung Quốc có tới 203 triệu người, Ân Độ là 357 triệu người và các nước Nam Á là 77 triệu người.
Mỗi năm nạn đói ở châu Phi cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Số người sống cực nghèo ở châu Phi ước tính tới 60 triệu người. Ở châu Phi và khu vực Nam Á, tỷ lệ dân số trên 10 tuổi không biết chữ khoảng 50%. Báo cáo tình hình nghèo đói trên thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2004 cho biết : trong 10 năm tới, các nước có nguy cơ không giảm nghèo đói trên thế giới là châu Phi, các nước Nam Á và hầu hết các quốc gia hải đảo Thái Bình Dương.
Tình trạng đói nghèo, thiếu nước sạch và thiếu các điều kiện sinh hoạt, dịch bệnh, tội phạm đang làm xói mòn các thành quả phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều nước đang phát triển.
Trong năm 2004, Hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới về chống đói nghèo đã được tổ chức bên lề khóa họp thứ 59 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với mục tiêu thiên niên kỷ: giảm bớt một nửa số người nghèo trên thế giới, phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em, tất cả mọi người được dùng nước sạch, chặn đứng đại dịch AIDS… Những cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới đang nhằm tạo ra một thế giới hòa đồng và bền vững vào năm 2015.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới cần phải tiến hành đồng thời với việc giảm tỷ lệ sinh, phát triển dân số hợp lý, phát triển kinh tế và đang cần nhiều thời gian, tài chính và sự nỗ lực của tất cả các quốc gia trong một thời gian dài.