Đánh giá những lợi ích và tác động tiêu cực của xu hướng toàn cầu hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội trên thế giới
Lợi ích của xu hướng toàn cầu hóa
- Toàn cầu hóa góp phần thúc đẩy, phát triển các ngành kinh tế cũng như kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và toàn thế giới thông qua quá trình mở rộng thị trường, buôn bán, giảm bớt sức ép về thuế.
- Gia tăng các nhân tố sản xuất như vốn (cả vốn cố định, vốn con người) và KHKT được khuyến khích qua việc tự do hóa lưu thông vốn, chuyển giao công nghệ, phát triển hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu hiệu quả, hạ chi phí về giao dịch quốc tế và chi phí sản xuất.
- Thông qua sự gia tăng đầu tư vốn và công nghệ thông tin, các quốc gia nhận đầu tư sẽ có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm tổ chức quản lý, phát triển kinh tế, KHKT, tạo việc làm, nâng cao nhận thức và mức sống của dân cư.
- Trong quá trình tham gia toàn cầu hóa giúp các nước cải thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, chất lượng môi trường, cải thiện được mức lương của người lao động, hoàn thiện về luật pháp, chống tham nhũng, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp, hiệu quả hơn.
Kết quả là tất cả các nước tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đều có sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, các điều kiện bảo đảm cuộc sống tốt hơn, các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội được cải thiện. Toàn cầu hóa mang lợi cho tất cả các nước, cho những người, những công ty tham gia ở mức độ khác nhau.
Tác động tiêu cực của xu hướng toàn cầu hóa
Bên cạnh những tác động tích cực, những lợi ích toàn cầu hóa cũng có một số biểu hiện tiêu cực cần được hạn chế
- Toàn cầu hóa làm mai một, xói mòn bản sắc giá trị truyền thống văn hóa địa phương.
- Thông qua WTO các nước phát triển không sẵn lòng tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của các nước đang phát triển, với các điều kiện cao về lao động, vệ sinh môi trường đã làm rào cản đối với các nước đang phát triển tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
- Các nước đang phát triển để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa thường khai thác xuất khẩu các tài nguyên khoáng sản sơ chế, giá các mặt hàng này ngày càng cao, càng xuất khẩu nhiều các nước đang phát triển càng thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Các hàng hóa xuất khẩu của các nước đang phát triển thường có hàm lượng công nghệ thấp, giá thành rẻ và thường phải nhập thiết bị công nghệ giá cao nên dẫn đến thâm hụt ngoại thương cao.
- Trong quá trình đón nhận vốn viện trợ, đầu tư hợp tác, các nước đang phát triển do thiếu kinh nghiệm tổ chức quản lý, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và không quản lý được tham nhũng, các dự án đầu tư kém hiệu quả dẫn đến nợ nước ngoài càng gia tăng.
Thực tế các nước giàu được hưởng lợi từ toàn cầu hóa nhiều hơn các nước đang phát triển, vì các nước phát triển chiếm gần 80% giá trị thương mại xuất khẩu và hơn 70% vốn đầu tư FDI trên toàn cầu.