Xu hướng toàn cầu hóa: quan niệm và lịch sử

Cuộc Cách mạng KHKT đã làm cho năng lực sản xuất của thế giới phát triển, tạo ra khối lượng hàng hóa và vật chất ngày càng lớn. Đồng thời trong mấy chục năm gần đây, có nhiều vấn đề kinh tế – xã hội và môi trường mà loài người đã và đang phải đối mặt, từng quốc gia không thể giải quyết được. Điều đó đã dẫn đến nhu cầu phải có những mối quan hệ quốc tế, có sự tham gia của nhiều quốc gia vào đời sống kinh tế – xã hội thế giới, không phân biệt thể chế chính trị khác nhau. Vì vậy, toàn cầu hóa trở thành xu hướng và nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và toàn thế giới.

Cùng với toàn cầu hóa là sự ra đời của các siêu tập đoàn thống trị thế giới
Cùng với toàn cầu hóa là sự ra đời của các siêu tập đoàn thống trị thế giới

Các quan niệm về toàn cầu hóa

Đến nay có nhiều khái niệm khác nhau về xu hướng phát triển này:

– Năm 1964, khi đề cập đến khía cạnh toàn cầu của cuộc Cách mạng Thông tin Mc Buhan đã đưa ra khái niệm: “Toàn cầu hóa là một quá trình rút ngắn khoảng cách giữa các quốc gia, làm cho con người ngày càng thấy mình sống trong một thế giới giống nhau như một nơi chốn duy nhất”.

– Theo ủy ban châu Âu (năm 1997) : “Toàn cầu hóa có thể được định nghĩa như là một quá trình mà thông qua đó thị trường và sản xuất ở nhiều nước khác nhau đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, do đó tính năng động của việc buôn bán hàng hóa và dịch vụ cũng như tính năng động của sự lưu thông vốn tư bản và công nghệ”.

– Theo tổ chức OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) : “Toàn cầu hóa như là một quá trình trong đó thị trường và sản phẩm ở các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nhau nhờ sự trao đổi năng động về hàng hóa, dịch vụ, tài chính và công nghệ”.

– Theo Giáo sư Dieter Bender (Đại học Ruhr – Bolum, trong cuốn Toàn cầu hóa và tác động đối với sự hội nhập của Việt Nam, tr.33) : “Toàn cầu hóa kinh tế là sự phát triển những thị trường rộng khắp thế giới cho hàng hóa, vật chất, các dịch vụ, vốn cố định, khoa học kỹ thuật, vốn tài chính (vốn đầu tư trên danh sách) và thông tin”.

Phần nhiều các quan niệm chỉ bàn đến toàn cầu hóa về kinh tế và thực chất là quá trình mở rộng thị trường và sản xuất của các quốc gia trên toàn cầu cho hàng hóa, dịch vụ, vốn, khoa học công nghệ và thông tin. Trong xu hướng toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng bị phụ thuộc lẫn nhau. Song thực tế phát triển kinh tế – xã hội của thế giới trong những thập kỷ gần đây cho thấy biến động và biểu hiện của xu hướng toàn cầu hóa trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, chính trị và môi trường chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.

Lịch sử toàn cầu hóa

Đa số các ý kiến cho rằng, toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng mới, trước khi bước vào thời kỳ hiện đại “Toàn cầu hóa mới” được bắt đầu từ cuối thế kỷ XX, loài người đã chứng kiến bốn lần có hiện tượng “Toàn cầu hóa”:

– Lần thứ nhất vào cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, sau khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, châu Âu “khai hóa thế giới, theo đó tư bản được tích lũy lớn để nước Anh trở thành bá chủ toàn cầu.

– Lần thứ hai vào nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1914, khi người châu Âu chinh phục châu Á, còn Nhật Bản nắm cơ hội tiến hành cuộc “Duy tân” hưng thịnh đất nước.

– Lần thứ ba kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1970.

Đặc điểm chung của ba lần “Toàn cầu hóa” này đều có chung tác nhân của chiến tranh và chính sách thực dân, trình độ phát triển của nhiều nước còn thấp, mỗi thời kỳ có các quốc gia giữ vai trò bá chủ thế giới, các vấn đề chung mang tính toàn cầu hóa xuất hiện chưa nhiều, chưa mạnh mẽ. Các vấn đề toàn cầu hóa chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa ở một số lĩnh vực rất hẹp.

Sự bùng nổ Công nghệ thông tin thúc đẩy toàn cầu hóa lần 4
Sự bùng nổ Công nghệ thông tin thúc đẩy toàn cầu hóa lần 4

– Lần thứ tư từ thập niên 80 đến nay, còn gọi là “Toàn cầu hóa hiện đại”. Toàn cầu hóa hiện đại được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin và bao trùm hầu hết các lĩnh vực của loài người, với cốt lõi là toàn cầu hóa về kinh tế. Toàn cầu hóa về kinh tế được tăng cường sâu rộng, cả lượng và chất bởi ba động lực: kỹ thuật công nghệ thông tin, không gian địa lý và tiền vốn lưu chuyển xuyên quốc gia và còn được thể chế hóa nhiều hơn.

Toàn cầu hóa là xu hướng phát triển kinh tế – xã hội mang tính tất yếu, có ảnh hưởng tác động ngày càng mạnh mẽ tới hầu hết các lĩnh vực của con người trên bình diện thế giới. Tuy nhiên, do thời gian tiến hành công nghiệp hóa, các điều kiện nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, thực trạng phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia không giống nhau. Do vậy, thực tế sự tham gia, mức độ được hưởng lợi hoặc chịu tác động tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa cũng khác nhau giữa các quốc gia.

Danh mục: Toàn cầu hóa

Đề xuất