Vai trò của vũ trụ trong quân sự và kinh tế ngày càng tăng

Các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh Cô-xô-vô (1999) và chiến tranh I-rắc năm 2003 là thực tế sinh động chứng tỏ rằng các đội quân hiện đại phụ thuộc cốt tử vào các phương tiện trinh sát, dẫn đường, chỉ thị mục tiêu bố trí trên vũ trụ. Về phương diện này, Mỹ đã có hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh GPS, còn Nga có hệ thống GLONASS và các nước Châu Âu có hệ thống Galileo tương tự như của Mỹ. Không chỉ có thế, vũ trụ còn là cao điểm lý tưởng có tầm bao quát toàn cầu mà từ đó các quốc gia có thể bố trí hoặc triển khai các hệ thống vũ khí có thể tiến công vào bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất, vào bất cứ thời điểm nào.

Trong lĩnh vực kinh tế, các tổ chức thương mại ngày càng quan tâm đến vũ trụ bởi lẽ, nhiều ngành kinh tế hiện đại sẽ không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu vai trò của các vệ tinh nhân tạo bay quanh Trái Đất làm nhiệm vụ truyền thông. Hiện nay, trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất có khoảng 550 vệ tinh, trong đó đa số thực hiện các chức năng dân sự. Một nửa số vệ tinh này là của Mỹ, phần lớn là vệ tinh phục vụ mục đích dân dụng. Nhiều tổ chức thương mại ngày càng bị cuốn hút vào vũ trụ. Thí dụ, hãng truyền thông vệ tinh quốc tế “International Telecom Satellite Organization” đã phóng lên quỹ đạo 60 vệ tinh, nhiều hơn cả số vệ tinh của cả nước Đức và nước Pháp cộng lại. Chỉ tính riêng trong năm 2001, đầu tư của các công ty tư nhân vào các chương trình vũ trụ đã lên tới con số khổng lồ, vào khoảng 100 tỉ USD, và có xu hướng không ngừng gia tăng từ đó tới nay. Trên quy mô thế giới, có khoảng 1.100 hãng và công ty có các hoạt động liên quan đến khai thác khoảng không vũ trụ. Tổng số các đơn đặt hàng của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ h{ng năm tăng 20%. Theo dự báo của Tạp chí “Air Force” (Mỹ ), trong 5 năm tới, thế giới sẽ đầu tư khoảng 500 tỉ USD cho các chương trình vũ trụ và sẽ có 1000-1500 vệ tinh mới được phóng lên quỹ đạo.

Hãng nghiên cứu khoa học “Forecast International” dự báo, khối lượng thị trường sản xuất các thiết bị quang học điện tử cho các khí tài vũ trụ trong 10 năm tới sẽ đạt tới con số 15,7 tỉ USD. Thị phần của Mỹ chiếm 61%. Còn nhiều khu vực khác đều hoạt động dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của các hãng công nghiệp ở Mỹ như “Lockheed Martin”, “Raytheon”, “Rafael”, “Northrop”, “Grumman” và “Boeing”.

Danh mục: Vũ trụ

Đề xuất