Mỹ và NATO tiếp tục thực hiện chiến lược toàn cầu sau “chiến tranh lạnh”

Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, với vị thế là siêu cường duy nhất, Mỹ theo đuổi tham vọng xây dựng trật tự thế giới đơn cực, trong đó Wasington sử dụng sức mạnh tổng hợp quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ làm công cụ để thực hiện chiến lược toàn cầu.

Ngày nay, Mỹ được coi là cường quốc quân sự, có sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu, cả trên đất liền, trên biển và trên không, có thể tiếp cận bất kỳ nơi nào trên thế giới, đưa sức mạnh chính trị của Mỹ ảnh hưởng đến đa số các thể chế quốc tế liên quan đến các lợi ích của Mỹ. Để duy trì vị thế đó, Mỹ không ngừng gia tăng ngân sách quân sự đến mức gần 500 tỷ USD trong tổng số gần 1.200 tỷ ngân sách dành cho quân sự của tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

Để có cơ sở pháp lý triển khai và sử dụng sức mạnh quân sự trên quy mô toàn cầu, Mỹ đã tạo dựng đối thủ toàn cầu, nguy cơ có phạm vi toàn cầu và sử dụng các công cụ có tầm tác dụng toàn cầu. Về đối thủ toàn cầu, Mỹ xác định, đó là chủ nghĩa khủng bố và những ai che giấu, ủng hộ khủng bố, nguy cơ phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt, sự “vi phạm nhân quyền” ở một nơi trên thế giới; “các quốc gia bất trị” và những ai đe doạ lợi ích của Mỹ.

Để đối phó với các đối thủ và nguy cơ toàn cầu, Mỹ xúc tiến xây dựng các liên minh quân sự và căn cứ trên khắp thế giới, từ châu Âu đến châu Á, từ Trung Đông, Trung Á đến châu Phi, xây dựng các hệ thống phòng thủ có tầm toàn cầu, trong đó hệ thống phòng thủ tên lửa là thí dụ điển hình nhất. Về công cụ quân sự có tính toàn cầu, đáng chú ý là Mỹ xúc tiến phát triển các loại vũ khí mới, trong đó vũ khí công nghệ cao là yếu tố then chốt, có tính quyết định. Tính chiến lược toàn cầu của thứ vũ khí này được quyết định bởi các yếu tố như có tầm phóng và mang tên lửa xuyên lục địa, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên quy mô toàn cầu; được sự hỗ trợ của hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và tình báo có tầm bao quát toàn cầu, trước hết là các vệ tinh trinh sát và báo động sớm có khả năng phát hiện và chỉ điểm mục tiêu bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu; có tác dụng sát thương và công phá không kém vũ khí hạt nhân chiến thuật; độ chính xác cao đủ để tấn công có lựa chọn hoặc “tấn công giải phẫu” vào các mục tiêu quân sự và dân sự tuỳ theo mục đích để tránh né sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Tình hình đó cũng thúc đẩy tham vọng sử dụng vũ khí công nghệ cao của Mỹ làm phương tiện thực hiện chiến lược toàn cầu trong điều kiện mới.

Là đối trọng với Tổ chức Quân sự của Hiệp ước Vácsava, lẽ ra NATO không còn lý do tồn tại sau khi khối Hiệp ước Vácsava tan rã và Liên Xô sụp đổ. Nhưng ngày nay NATO vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và không ngừng bành trướng sang phía đông. Năm 1999, trước khi mở cuộc tiến công Nam Tư, NATO bắt đầu kết nạp thêm các thành viên mới và quá trình này sẽ còn tiếp diễn. Các nước Đông Âu, Bantích và các nước khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô trước đây được coi là “khu vực có lợi ích sống còn” của NATO. Chính sách mới của NATO chủ trương vừa hợp tác với các nước thuộc Liên Xô trước đây, vừa loại trừ khả năng xuất hiện một siêu cường hoặc khối liên minh đe doạ lợi ích của khối tại các khu vực có lợi ích sống còn. Theo quan điểm mới của NATO, tiềm lực quân sự còn lại của Liên Xô trước đây “vẫn là mối đe doạ tiềm tàng lớn nhất đối với an ninh của các nước NATO”. Trong chiến lược mới của NATO vẫn giữ nguyên quan điểm tiến hành hai loại hình chiến tranh: chiến tranh tổng lực và chiến tranh hạn chế bằng vũ khí thông thường công nghệ cao, nhưng chiến tranh tổng lực trong tương lai trước mắt rất ít khả năng xảy ra.

Đề xuất