Tương lai của BRIC

BRIC có nhiều đặc điểm chung rất đáng chú ý. Đây là những nước có dân số lớn (Trung Quốc: 1,321 tỉ người; Ấn Độ: 1,132 tỉ; Nga: 142 triệu; Brazil: 186,112 triệu). Tổng cộng, 4 nước BRIC chiếm tới 40% dân số thế giới, nhiều gấp 3 lần dân số các nước G-8. Các nước trong BRIC có diện tích lãnh thổ rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh. Ba trong bốn quốc gia trong BRIC là các cường quốc hạt nhân. Về mặt kinh tế, BRIC tập hợp các nền kinh tế đang nổi lên có thực lực và tiềm lực phát triển hùng hậu, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Về văn hóa, đó là 4 nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc và truyền thống.

Theo đánh giá của Tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới “Goldman Sachs”, nếu không có gì xảy ra ngoài dự tính của họ, sau 50 năm nữa, các nước BRIC sẽ là những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới. Chỉ trong vòng 4 năm kể từ lúc “Goldman Sachs” công bố kết quả nghiên cứu dự báo của họ vào năm 2003, quy mô kinh tế của các nước BRIC cộng lại tính theo GDP đều xấp xỉ các nước trong Nhóm G-6, gồm Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Pháp. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032 và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2040. Nếu năm 2003, tổng GDP tính bằng USD của BRIC bằng 15% tổng GDP của G-6, thì đến năm 2040 sẽ ngang bằng và đến năm 2050 sẽ lớn gấp rưỡi. Năm 2050, 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Nga, trong đó có 4 nước thuộc BRIC.

Nếu xét về thu nhập GDP trên đầu người, đến năm 2050, các nước BRIC vẫn ở mức thấp hơn các nước G-6. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái thực tế giữa đồng tiền của các nước BRIC so với đồng USD sẽ tăng lên. Vì vậy, trong tương lai, GDP của BRIC khi quy đổi ra USD sẽ lớn hơn đáng kể so với trường hợp giả định tỷ giá hối đoái không thay đổi. Các công trình nghiên cứu dự báo của “Goldman Sachs” cũng lưu ý về sự thay đổi tỷ giá hối đoái này.

Có thể nói, tiếp thu ý tưởng ban đầu của cựu Thủ tướng Pri-ma-cốp, nước Nga đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp Ngoại trưởng các nước RIC lần thứ nhất bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002, chủ trì một cuộc họp khác của RIC tại Vơla-đi-vô-stốc (Vladivostok) thuộc Viễn Đông của Nga, năm 2005 và cuộc gặp cấp cao ba nước RIC bên lề Hội nghị G-8 tại Xanh Pê-tec-bua (St. Petersburg) năm 2006. Tháng 05-2008, lần đầu tiên, BRIC tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng cũng trên lãnh thổ Liên bang Nga.

Là một thành viên của G-8 hơn 10 năm qua nhưng nước Nga không có nhiều động lực để tham gia tích cực. Khi Nga giữ chức Chủ tịch G-8 năm 2006, Tổng thống V.Putin đã có sáng kiến khởi động quá trình chuyển đổi từ câu lạc bộ của các nước công nghiệp phát triển và giàu có ở phương Tây thành một diễn đàn rộng rãi hơn, trong đó có những nước chủ chốt khác như các nước là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Vì thế, Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao, Giáo dục và Y tế của 5 nước mở rộng gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin, Nam Phi và Mê-hi-cô đã lần đầu tiên tham dự các cuộc họp của G-8. Cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin cũng ủng hộ việc mở rộng G-8 thành một cấu trúc mới trong các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, đối thoại giữa G-8 và các nước mở rộng vẫn bị hạn chế. Thí dụ, Nhật Bản, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao G-8 năm 2008 tại Hô-kai-đô (Hokkaido) hạn chế cuộc gặp giữa G-8 với các nước mở rộng vẻn vẹn trong một buổi sáng làm việc. Ngoại trưởng Nga La-vơ-rốp cho rằng, Tô-ky-ô đ~ bác bỏ những nỗ lực của Nga về việc dành cho các nước mở rộng quyền được tham dự nhiều nội dung của Hội nghị. Ông La-vơ-rốp tuyên bố tại cuộc họp của BRIC rằng Mỹ và Nhật phản đối việc mở rộng G8.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chính trị – kinh tế quốc tế, các nước công nghiệp phát triển phương Tây không thể kìm hãm được tốc độ tăng trưởng và sự lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ của BRIC. Đối với Nga, việc tham gia các diễn đàn đa phương như RIC, BRIC hay SCO dưới thời cựu Tổng thống V.Pu-tin là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đến nay vẫn được Tổng thống kế nhiệm theo đuổi. Các cuộc họp của RIC, BRIC tại I-a-ca-te-ren-bua là diễn đàn quốc tế quan trọng đầu tiên dưới thời Tổng thống Đ.Mét-vê-đép. Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tới Ca-dắc-xtăng và Trung Quốc, hai nước đã ký Tuyên bố chung khẳng định cùng hợp tác để tăng cường các mối quan hệ trong BRIC và RIC./.

Đề xuất