Sự sụp đổ các hệ thống thuộc địa của CNĐQ: Khu vực Châu Á

Trước Thế chiến thứ hai, các thuộc địa và nửa thuộc địa của các nước thực dân, đế quốc chiếm gần 60% diện tích lãnh thổ trên thế giới (80 triệu km2), với số dân gần bằng 64% nhân loại (1,4 tỷ người).

Để nô dịch nhân dân các nước thuộc địa, bọn đế quốc thực dân dùng nhiều hình thức thống trị: thuộc địa, bảo hộ, chế độ ủy trị (của Hội Quốc Liên) ; chế độ bảo trợ (của Liên Hợp Quốc)…

Từ sau Thế chiến thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ngày càng phát triển, dẫn tới sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của CNĐQ và hàng loạt các quốc gia đã giành được độc lập dân tộc. Sự suy yếu của CNĐQ, sự hình thành và phát triển của hệ thống XHCN thế giới, sự tăng cường của phong trào công nhân ở các nước đế quốc là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển này.

Châu Á

Khu vực Đông Nam Á và Nam Á

Từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, các nước châu Á đã lần lượt giành được độc lập về chính trị. Phong trào giải phóng dân tộc ở lục địa này nhìn chung phát triển tương đối sớm và mạnh, đặc biệt là ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Năm 1947, Anh phải công nhận nền độc lập của Ấn Độ, nhưng Ấn Độ sau đó vì lý do mâu thuẫn tôn giáo nên đã phải chia thành hai quốc gia riêng biệt : Ấn Độ và Pakixtan (năm 1971 Pakixtan lại chia thành hai nước là Pakistan và Bangladesh).

Năm 1948, hai thuộc địa khác nhau của Anh là Seylan (từ năm 1972 gọi là Sri Lanka) và Miến Điện cũng giành được độc lập (từ năm 1989 mang tên là Myanmar). Năm 1957, Liên bang Malaysia gồm Malaysia, Singapore, Xaraoãc và Saba ra đời. Năm 1965, Singapore rút khỏi Liên bang trở thành nước riêng biệt.

Tháng 8 năm 1945, Indonesia (thuộc địa cũ của Hà Lan) tuyên bố độc lập, ít lâu sau thực dân Hà Lan quay lại xâm lược nhưng thất bại và đến năm 1950 buộc phải công nhận nền độc lập của nước này.

Năm 1946, Philippin (thuộc địa của Mỹ) cũng giành được độc lập.

Sau khi quay lại xâm lược các nước Đông Dương và bị thất bại, thực dân Pháp phải công nhận nền độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước Việt Nam, Lào và Campuchia theo Hiệp định Geneva (tháng 7/1954).

Năm 1965, thực dân Anh phải trao trả độc lập cho nhân dân quần đảo Maldives (Nam Á).

Năm 1975, nhân dân Đông Timo cũng giành được độc lập dân tộc (phần đất này trước đó là thuộc địa của Bồ Đào Nha).

Năm 1984, Anh phải công nhận nền độc lập của Brunei.

Khu vực Tây Á và Tây Nam Á (Trung Cận Đông)

Từ năm 1944, Pháp đã phải bãi bỏ chế độ ủy trị của mình ở Siri và Liban. Đây là hai nước châu Á giành được độc lập dân tộc ngay từ trong Thế chiến thứ hai.

Năm 1948, Anh cũng phải từ bỏ chế độ ủy trị đối với nước Trăngjoocđani và xứ Palextin. Theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc năm 1947, lãnh thổ Palextin sẽ thành lập hai quốc gia: quốc gia của những người Arập và quốc gia của những người Do Thái (Ixraen). Năm 1948, trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất, Ixraen đã chiếm phần lớn lãnh thổ Arập, Palextin rồi sáp nhập vào nước mình (diện tích nước Ixraen do đó từ 14.0 km2 tăng lên 20.000 km2). Phần đất còn lại của người Arập Palextin ở bờ Tây sông Joocdani sáp nhập vào Trăngjoocđani (từ đó nước này gọi là Joocdani). Dải đất Gaza do Ai Cập chiếm giữ, nhưng đến cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư (1973), Ixraen đã chiếm đóng toàn bộ vùng Palextin (kể cả giải Gaza).

Iraq trên danh nghĩa là một quốc gia độc lập từ trước Thế chiến thứ hai (1932), nhưng thực tế là một nước nửa thuộc địa của Anh.

Năm 1958, sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ, Iraq trở thành một nước cộng hòa. Arập Xêut và Bắc Yemen (sau lấy tên là Cộng hòa Arập Yemen) cũng là những nước được độc lập từ trước Thế chiến thứ hai.

Năm 1960, đảo Sip là thuộc địa của Anh; năm 1961, Kuwait (xứ bảo hộ của Anh) giành được độc lập.

Năm 1967, ở Nam bán đảo Arập, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen tuyên bố độc lập (trên phần đất Ađen thuộc Anh trước đây). Đến năm 1971, thực dân Anh phải lần lượt công nhận nền độc lập chính trị của một số nước nằm ven vịnh Pecxích là Cata, Baranh, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quốc gia độc lập ở Trung Cận Đông, việc thành lập nhà nước Tự trị Palextin (tháng 11 năm 1988) trên lãnh thổ từng bị Ixraen chiếm đóng là dải Gaza và bờ tây sông Joocdani đã làm biến đổi hơn nữa theo hướng tích cực bản đồ chính trị khu vực.

Đề xuất