Nguyên soái không quân, Tư lệnh không quân Ấn Độ, ông Tơ-va-gi (Tvagi), tuyên bố rằng, Ấn Độ đang bước đầu đặt nền móng để xây dựng Quân chủng vũ trụ nhằm giải quyết các nhiệm vụ trong không gian. Tuyên bố này là tín hiệu chứng tỏ sự ra đời của một cường quốc vũ trụ quân sự mới, thách thức vị thế của Mỹ trong lĩnh vực này.
Theo Nguyên soái Tơ-va-gi, sự hiện diện trong vũ trụ là cần thiết không chỉ đối với các lực lượng vũ trang mà là cả Ấn Độ, một quốc gia đang phát triển rất nhanh và không bao lâu nữa sẽ trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Còn tiến sĩ Vi-khơ-ram Xa-rap-hai – người được mệnh danh là “Cô-rô-lép của Ấn Độ”, là người đặt nền móng cho Cục vũ trụ Ấn Độ (ISRO), đã từng xác định các nhiệm vụ chiến lược đầu tiên cho tổ chức này là tạo khả năng cho Ấn Độ hoạt động độc lập trong vũ trụ, tiến hành phóng các khí tài nghiên cứu khoa học và vệ tinh thuộc hệ thống thăm dò Trái Đất từ xa và các tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo địa tĩnh phục vụ nhiệm vụ truyền thông.
Ấn Độ đã hoàn thành nhiệm vụ phóng tên lửa vũ trụ do họ tự chế tạo PSLV (Polar Satellite Launch Vehicle) vào năm 1997, có khả năng đưa c|ác khí tài vũ trụ lên quỹ đạo thấp xung quanh Trái Đất. Như vậy, Ấn Độ đã có khả năng xây dựng được “cộng đồng” vệ tinh truyền thông riêng.
Theo xác nhận của các chuyên gia, Ấn Độ đạt được những thành tựu đó là nhờ sự giúp đỡ của Nga. Tuy nhiên, phải cần một thời gian khá dài nữa Ấn Độ mới có thể sử dụng các biện pháp sức mạnh trong vũ trụ để chống lại các khí tài vũ trụ của đối phương như tiêu diệt tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo hoặc đánh chặn đầu đạn tên lửa xuyên lục địa trên đoạn quỹ đạo bay ngoài khí quyển.
Năm 2007, với sự giúp đỡ của Nga, Ấn Độ đã phóng vệ tinh sử dụng hệ thống dẫn đường và định vị toàn cầu thuộc hệ thống GLONASS. Ngày 11-6-2008, Ấn Độ tuyên bố thành lập Cơ quan vũ trụ tổng hợp (ISC) nhằm đối phó với các hệ thống vũ trụ của các nước khác, trong đó có cả vũ khí chống vệ tinh, tên lửa đẩy cỡ nhỏ dùng cho hệ thống tác chiến trong vũ trụ.