Trong thời đại toàn cầu hoá, hình thành các nguy cơ chiến tranh có tính toàn cầu, trong đó có thể kể đến:
Tham vọng giành quyền bá chủ thế giới của các thế lực hiếu chiến
Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, mượn cớ chống Liên Xô, đối thủ mạnh nhất có tính toàn cầu, Mỹ đã tập hợp được các lực lượng phương Tây và Nhật Bản dưới ô bảo trợ của Washington, hình thành trật tự thế giới hai cực làm đối trọng với Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sau “chiến tranh lạnh”, Liên Xô sụp đổ, xuất hiện xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực ngay trong hàng ngũ đồng minh của Mỹ, đe dọa vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ. Trước tình hình đó, Washington cần tạo dựng một đối thủ mới để tập hợp lực lượng xung quanh mình và họ đã chọn Irắc là đối tượng để thể hiện vai trò siêu cường duy nhất trong trật tự thế giới mới sau “chiến tranh lạnh”. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Trong cuộc chiến tranh Côxôvô, các thế lực hiếu chiến theo đuổi tham vọng bá chủ thế giới thiết lập “vành đai an toàn” từ Bancăng, qua Cápcadơ, đến Trung Á. Sau sự kiện ngày 11-9-2001, mượn cớ “chống khủng bố”, Mỹ phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” nhằm vào Ápganixtan, lật đổ chế độ Taliban và xây dựng một chính phủ thân Mỹ tại đây. “Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Ápganixtan chỉ là cớ để Mỹ thực hiện tham vọng đánh chiếm bàn đạp nhằm chi phối vùng Trung Á, một khu vực chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong cuộc chiến tranh Irắc (2003), mượn cớ “Irắc sở hữu vũ khí giết người hàng loạt” và “có liên quan đến mạng lưới khủng bố Ankêđa”, Mỹ tiến hành chiến tranh lật đổ chính quyền của Tổng thống Xátđam Hutxen để hiện diện lâu dài tại một khu vực có vị trí địa – chính trị và địa – kinh tế quan trọng ở Trung Đông, tiến tới xây dựng một “Trung Đông lớn” có ý nghĩa sống còn trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Tham vọng tranh giành các tài nguyên chiến lược
Trong thế giới ngày nay, tài nguyên thiên nhiên vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và vẫn là nguồn gốc sản sinh các cuộc xung đột và chiến tranh do sự phân bố không đồng đều ở các khu vực và các quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động trong hơn thập kỷ qua là tham vọng muốn làm chủ và chi phối các khu vực có dầu mỏ – tài nguyên chiến lược có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Mỹ và các cường quốc cạnh tranh với Mỹ. Hiện diện quân sự ở Trung Đông, Trung Á và châu Phi là điều kiện để Mỹ có thể dùng dầu mỏ và các tài nguyên khác làm công cụ kiểm soát nền kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Nga và các nước khác. Phát động chiến tranh ở Nam Tư, Mỹ tạo bàn đạp để tiến sang Bắc Cápcadơ và Trung Á, nơi có nguồn dầu mỏ lớn thứ hai thế giới ở vùng biển Caxpi. Phát động chiến tranh để hiện diện lâu dài ở Ápganixtan, Mỹ dùng quốc gia này để khống chế khu vực Trung Á, cũng là nơi có nguồn dầu mỏ lớn. Đứng chân chi phối Trung Á, lót chỗ trong “sân sau” của Trung Quốc, Mỹ theo đuổi tham vọng làm chủ Ấn Độ Dương, khống chế
Iran, mở đường tiến sát biên giới Nga, gạt bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc, Pakixtan và Ấn Độ ra khỏi khu vực này. Hiện nay, Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước khác tranh giành tài nguyên, trước hết là dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông, châu Phi, châu Á và ở hai địa cực của Trái đất là Bắc Cực và Nam Cực.
Xung đột và mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc với các quốc gia đi theo đường lối độc lập tự chủ.
Ngày nay, quan niệm về mâu thuẫn ý thức hệ có khác trước. Mâu thuẫn ý thức hệ không chỉ là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, mà còn là mâu.thuẫn giữa chủ nghĩa bá quyền nước lớn với các nước đi theo đường lối độc lập tự chủ. Trong tất cả các cuộc chiến tranh, từ chiến tranh Côxôvô, Ápganixtan đến chiến tranh Irắc, Mỹ đều nhằm mục đích lật đổ chính quyền có chủ trương chống Mỹ, xây dựng chính quyền mới đi theo quỹ đạo của Washington, bất chấp đặc điểm văn hóa, trình độ phát triển và quan niệm giá trị của các quốc gia và dân tộc khác, nhằm bảo vệ vị trí chiến lược mà các ngân hàng và các tập đoàn công nghiệp của Mỹ đã từng có được trong nền kinh tế thế giới những thập kỷ cuối cùng thế kỷ XX, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư của tư bản Mỹ giành giật thị trường tài chính, công nghệ, sản phẩm, trong đó có thị trường vũ khí trang bị.
Tham vọng thử nghiệm các học thuyết và chiến lược quân sự mới phục vụ các tổ hợp công nghiệp quân sự.
Để thực hiện chiến lược toàn cầu, Mỹ và NATO đã và sẽ tiếp tục thử nghiệm học thuyết và chiến lược quân sự mới ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ thử nghiệm học thuyết “tác chiến không-bộ”, lần đầu tiên thi thố chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, một phương thức tiến hành chiến tranh mới, trong đó qu}n đội, vũ khí trang bị được số hóa ở mức cao. Trong cuộc chiến tranh này, lần đầu tiên Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí chính xác được điều khiển từ vũ trụ, công nghệ tàng hình. Đến cuộc chiến tranh Côxôvô, Mỹ thử nghiệm phương thức chiến tranh không tiếp xúc, một bước phát triển mới của chiến tranh công nghệ cao. Còn trong cuộc chiến tranh Ápganixtan và chiến tranh Irắc, Mỹ muốn phát triển lý luận tác chiến kết hợp tiến công từ xa bằng vũ khí công nghệ cao với các lực lượng đặc nhiệm; thử phương thức kết hợp tiến công bằng đường không với lúc lượng trên bộ, sử dụng vũ khí công nghệ cao tiến h{nh “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” trong điều kiện rừng núi; thử nghiệm phương thức trinh sát và tiến công đồng thời và lập kế hoạch tác chiến thích nghi. Trong bốn cuộc chiến tranh trên đây, Mỹ không chỉ thử nghiệm. quảng cáo và “cấp chứng chỉ” cho các loại vũ khí công nghệ cao để sau đó tung ra chiếm lĩnh thị trường vũ khí trang bị quốc tế, mà còn thanh lý một khối lượng lớn vũ khí trang bị đã “quá hạn”. Một phần đáng kể chi phí dành cho các cuộc chiến tranh đó được chuyển cho các hãng và công ty trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.
Các nguy cơ “phi truyền thống” có tính toàn cầu.
Vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, xuất hiện các nguy cơ phi truyền thống có tính toàn cầu. Đó là chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu ma tuý, phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt, tội phạm xuyên quốc gia, di cư bất hợp pháp, v.v… Những nguy cơ đó hình thành ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ các quốc gia nghèo nhất ở Mỹ Latinh và châu Phi, đến Mỹ và các quốc gia thịnh vượng ở châu Âu. Các tổ chức khủng bố và tội phạm đã toàn cầu hóa các hoạt động của chúng. Trong khi công ty xuyên quốc gia thành lập chi nhánh trên khắp thế giới nhằm tận dụng ưu thế của thị trường lao động và thị trường nguyên liệu, thì tổ chức khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia cũng bành trướng về địa lý nhờ có lợi thế từ quá trình toàn cầu hoá kinh tế, nhờ các thành tựu giao thông và liên lạc quốc tế. Nhóm khủng bố và tội phạm cũng toàn cầu hóa hoạt động của chúng để có thể tận dụng khả năng tuyển quân ở nước ngoài và tiếp cận các tổ chức kinh tế phi pháp giàu có. Các tổ chức tội phạm và các nhóm khủng bố khai thác các kênh thông tin và thương mại toàn cầu, trước hết là mạng Internet, để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động. Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ là thí dụ điển hình về phương diện này.
Toàn cầu hóa thị trường tự do đã hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, giảm nhẹ và đơn giản hoá các quy định quốc tế, các hàng rào thương mại và quy định về đầu tư, thúc đẩy thương mại phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức khủng bố và tội phạm quốc tế hoạt động rộng khắp. Nhóm tội phạm và khủng bố đã khai thác triệt để điều kiện thuận lợi này để mở rộng phạm vi hoạt động ở tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong khi các hoạt động thương mại hợp pháp còn chịu sự điều chỉnh của chính sách kiểm soát tại biên giới, nhân viên hải quan và hệ thống quản lý tập trung, thì nhóm khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia lại được tự do hoành hành và tận dụng những lỗ hổng của luật pháp để tăng cường hoạt động. Chúng có thể chuyển tiền đến các quốc gia có hệ thống ngân hàng mà sự kiểm soát của chính phủ có phần lỏng lẻo. Chủ nghĩa khủng bố có thể trở thành mối đe doạ có ý nghĩa chiến lược. Trong điều kiện đó, để loại bỏ nguy cơ này phải có hành động phòng ngừa và không loại trừ khả năng tiến công phủ đầu Mỹ, Anh, Nga, Pháp đã tuyên bố sẵn sàng tiến công phủ đầu vào các căn cứ của các tổ chức khủng bố, kể cả bằng vũ khí hạt nhân.