Những cường quốc kinh tế mới nổi ảnh hưởng đến gia tăng giá dầu trên thị trường thế giới.
Từ năm 2003, Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 2 trong danh sách “top ten” các nước hàng đầu thế giới về khối lượng dầu mỏ tiêu thụ. Mức tăng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2004 của Trung Quốc là 17% (hoặc 5,8-5,9 triệu thùng/ngày), còn mức nhập khẩu dầu mỏ tăng 35% (đạt 2,4-2,5 triệu thùng/ngày). Trung Quốc cũng đứng vị trí thứ hai sau Mỹ về khối lượng dầu mỏ nhập khẩu, góp phần đáng kể gia tăng giá dầu trên thị trường thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang nỗ lực duy trì nhịp độ phát triển như hiện nay để đến năm 2041 sẽ vượt Mỹ và trở thành một siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới. Để đạt mục đích đó, trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ tiêu thụ một khối lượng năng lượng bằng cả hai nước Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu thế giới về mức độ tiêu thụ dầu mỏ. Giới lãnh đạo và dư luận xã hội ở Ấn Độ đánh giá sự thiếu hụt tài nguyên năng lượng là “một nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”. Báo India Daily từng viết: “Ấn Độ đang ở trong tình trạng hoảng hốt trước triển vọng không mấy sáng sủa của các nguồn cung cấp dầu mỏ và đang chạy đua nhằm giành giật tài nguyên dầu mỏ trên thế giới. Trong cuộc đua đó, Ấn Độ đang “chạm trán” với Trung Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển với tốc độ nhanh không kém gì nền kinh tế Trung Quốc. Nếu mức tăng tổng thu nhập quốc nội hàng năm của Trung Quốc là 8-9%, thì của Ấn Độ đã là 6-8%. Để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, Ấn Độ rất cần năng lượng. Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh, số dân giàu lên càng nhiều, thì số người sử dụng ô-tô sẽ tăng lên gấp bội và hệ quả là, quốc gia đông dân vào bậc nhất nhì thế giới này sẽ ngày càng cảm thấy “đói” năng lượng. Lúc đó, cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ với các nước nhằm giành giật tài nguyên năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ càng quyết liệt hơn. Chính nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ đã góp phần gia tăng đáng kể giá dầu mỏ trong những năm gần đây.
Ở Ấn Độ, khối lượng tiêu thụ dầu mỏ hiện thời vẫn chưa bằng Trung Quốc (vào khoảng 2 triệu thùng/ngày), nhưng trong khi Trung Quốc cần nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài để đáp ứng 40% nhu cầu trong nước, thì Ấn Độ phải nhập khẩu tới 70% nhu cầu dầu mỏ tiêu thụ nội địa. Theo dự báo, đến năm 2018, nhu cầu dầu mỏ ở Ấn Độ sẽ đạt tới 4 triệu thùng/ngày và tỷ lệ nhập khẩu sẽ vượt quá 85%. Theo tính toán của Bộ Thương mại Ấn Độ, mức tăng giá một thùng dầu lên 5 USD có nghĩa là làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước này xuống 0,5% và tăng lạm phát lên 1,4%. Thí dụ, năm 2004, theo kế hoạch chính thức, tổng thu nhập quốc nội của Ấn Độ tăng 7-8%, nhưng trên thực tế mức tăng không vượt quá 6% do giá dầu tăng. Trong khi đó, nguồn dự trữ dầu mỏ trong nước của Ấn Độ cũng rất hạn chế. Vì thế, ngay từ năm 2004, chính phủ Ấn Độ đã soạn thảo một chương trình đặc biệt nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào động thái của thị trường dầu mỏ thế giới.