Những bất ổn chính trị xã hội và chủ nghĩa khủng bố

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình chính trị xã hội của thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều biến động. Sau Hội nghị Ianta, thế giới hình thành hai hệ thống kinh tế – xã hội có chế độ chính trị khác nhau là hệ thống XHCN gồm các nước XHCN, Liên Xô và hệ thống TBCN gồm Hoa Kỳ, các nước phương Tây, Canađa, Nhật Bản, Úc… Sự phát triển cạnh tranh của hai hệ thống kinh tế-xã hội này đã dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang, tốn nhiều tiền của, làm cho tình hình quốc tế trở nên phức tạp và căng thẳng (chỉ riêng Hoa Kỳ mỗi năm chi phí cho chiến tranh trung bình là 280 tỷ USD).

Do chính sách chạy đua vũ trang nên trong thời gian sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối thập kỷ 80, nguy cơ của cuộc chiến tranh hủy diệt vẫn thường xuyên đe dọa nhân loại. Trong thời gian này đã xảy ra nhiều cuộc
chiến tranh giữa một số quốc gia, ở một số khu vực như trên bán đảo Đông Dương, khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam và Bắc Triều Tiên… Những cuộc chiến tranh này đã giết hại hàng chục triệu người, hủy hoại nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa, KHKT.

Từ nửa sau thập kỷ 80, một xu thế mới trên thế giới đã phát triển, đó là xu thế chuyển từ đối đầu sang đối thoại và hợp tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền. Do vậy, tình hình thế giới trở nên bớt căng thẳng hơn.

Từ những năm 1989 – 1991 đến nay, sau những biến động và sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều quốc gia độc lập, trên thế giới đang hình thành một trật tự mới, tình hình chính trị xã hội diễn ra những biến động phức tạp mới như : sự cạnh tranh thị trường mạnh mẽ giữa ba trung tâm kinh tế tư bản lớn là Hoa Kỳ – Nhật Bản và Tây Âu ; sự lớn mạnh và tăng cường hợp tác toàn diện của các nựớc EU và nhiều tổ chức kinh tế – xã hội trên thế giới đã đẩy nhanh xu hướng toàn cầu hóa ; chính sách bảo trợ các sản phẩm trong nước và mặt trái của toàn cầu hóa đã dẫn đến mâu thuẫn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Trong thời gian này, nhiều cuộc xung đột kéo dài trong nhiều năm ở các nước như Apganixtan, Enxanvađo, Ăngôla, Campuchia, ở khu vực Trung Đông đã và đang được giải quyết bằng con đường thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc xung đột như ở Apganixtan, Paletxtin – Ixraen, Irắc vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt và phức tạp.

Hơn một thập kỷ trở lại đây, thế giới không còn hai cực đối đầu, việc giao lưu hợp tác quốc tế được mở rộng và đẩy mạnh. Nhưng những mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại đan xen vào nhau và tác động qua lại rất phức tạp. Trong hoàn cảnh mới, Hoa Kỳ đã thực hiện chính sách nước lớn để tạo thêm sức mạnh về các nguồn lực, để mở rộng thị trường và tăng cường ưu thế đối với các nước trên thế giới. Hoa Kỳ đã phát động nhiều cuộc chiến tranh chống lại các nước là Irắc năm 1991, 2003 ; Nam Tư năm 1994 ; Apganixtan năm 2001 và gây sức ép, đe dọa dùng vũ lục bao vây, cấm vận các nước nghiên cứu chế tạo năng lượng hạt nhân như Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Những hành động gây chiến tranh của Hoa Kỳ và các nước thân Hòa Kỳ đã làm gia tăng tình trạng khủng bố, đe dọa hòa bình của các nước trên thế giới, đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu.

Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 ở Mỹ đã làm chết hơn 4.000 người và bị thương hơn 10.000 người, thiệt hại về kinh tế hàng nghìn tỷ USD, nước Mỹ đã phải chi thêm 100 tỷ USD vào việc thắt chặt an ninh.

Những vụ khủng bố hằng ngày diễn ra ở Irắc của các lực lượng phản đối sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ và các chính phủ thân Hoa Kỳ đã giết hại hàng chục nghìn người. Năm 2004, vụ đánh bom đồng loạt tại 4 nhà ga xe lửa ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) làm gần 200 người chết và hơn 1.400 người bị thương. Vụ khủng bố đẫm máu ở thị trấn Beslan (Nga) đã làm 322 người chết và hơn 700 người bị thương. Những vụ khủng bố ở miền Nam Thái Lan, Inđônêxia, Philippin, Bắc Ân Độ cũng đã làm hàng nghìn người chết và bị thương trên 1.000 người…

Bên cạnh những bất ổn do xung đột, khủng bố, tình hình an ninh và trật tự của thế giới còn bị tác động tiêu cực bởi nạn buôn bán ma túy và các chất gây nghiện, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm…

Những bất ổn về chính trị xã hội trên đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước và cả thế giới. Vì vậy, đòi hỏi loài người phải đấu tranh bảo vệ hòa bình, ngăn chặn các cuộc chiến tranh, các nguyên nhân gây xung đột và chiến tranh cũng như chủ nghĩa khủng bố.

Đề xuất