Trong hơn nửa thế kỷ, Liên Xô trước đây, nay là Nga, chạy đua với Mỹ nhằm giành ưu thế quân sự trong vũ trụ. Tới năm 1991, khi đã ở đỉnh cao của tiềm lực quân sự, Liên Xô vẫn lạc hậu so với Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Liên Xô chỉ chiếm ưu thế so với Mỹ ở 5 lĩnh vực trong số 31 lĩnh vực, trong đó có 2 lĩnh vực là phòng chống tên lửa và các chương trình chống vệ tinh của đối phương có liên quan trực tiếp với vũ trụ. Trong 9 lĩnh vực khác, cả hai nước có khả năng như nhau. Cuộc chạy đua quân sự giữa hai siêu cường, trong đó có chạy đua vũ trụ quân sự, đã dẫn tới chỗ cả hai bên đều nhận thấy phải có sự hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và bắt đầu thực hiện các đề án phối hợp trong vũ trụ. Kết quả là các phi công vũ trụ Nga đã bay lên vũ trụ trên các tàu con thoi của Mỹ, còn các phi công vũ trụ của Mỹ được đến thăm trạm quỹ đạo “Hòa Bình” của Nga. Các công trình nghiên cứu vũ trụ của Nga được sử dụng ở Mỹ và các tên lửa của Nga phóng vệ tinh của Mỹ lên quỹ đạo. Cả hai nước đều tham gia vào các đề án xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế trên biển “Sea Launch” và xây dựng trạm vũ trụ quốc tế ISS. Đầu năm 2008, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh thành lập Cục hàng không vũ trụ quốc gia của Liên bang Nga, với chức năng giống như Cục hàng không vũ trụ quốc gia của Mỹ, mở đầu những nỗ lực mới của Nga hướng tới cuộc hành trình tiếp tục chinh phục và khai phá con đường đi vào vũ trụ.
Về khả năng chiến tranh trong vũ trụ, Tư lệnh Quân chủng vũ trụ Nga, thượng tướng Pô-pốp-kin nhận xét: “Nếu các nước trên thế giới chế tạo và triển khai các phương tiện tiến công vũ trụ thì Nga sẽ phải áp dụng các biện pháp cần thiết vừa có tính phòng thủ, vừa có tính tiến công. Trong những năm 1970-1980, Liên Xô đã thử nghiệm thành công vũ khí chống vệ tinh. Nhưng từ đó đến nay, nước Nga chỉ đấu tranh nhằm giải trừ vũ trang trong vũ trụ”. Còn trong lĩnh vực khai thác vũ trụ vào mục đích hoà bình, Nga đã có kế hoạch và chương trình phát triển ngành công nghiệp Mặt Trăng, thậm chí cả chương trình đưa người lên Sao Hoả. Dự báo, đến năm 2020, Nga sẽ đưa người đổ bộ lên “hành tinh đỏ”.