Trên thế giới hiện nay đã có một số thể chế có tính toàn cầu liên quan đến hoạt động quân sự như:
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc bắt buộc các nước thành viên của Liên hợp quốc phải thi hành. Hội đồng Bảo an không phục tùng Đại hội đồng Liên hợp quốc. Mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua khi có sự nhất trí của cả năm nước thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc.
Ngoài năm thành viên thường trực, còn có các nước thành viên không thường trực. Từ năm 1946 đến năm 1965, Hội đồng Bảo an chỉ có sáu thành viên không thường trực. Về sau, con số này được mở rộng lên 10 thành viên với định mức hai thành viên cho từng khu vực châu Phi, châu Á, châu Mỹ, Tây Âu. Riêng Đông Âu có một thành viên. Ngoài ra, còn có một thành viên luân phiên dành cho châu Phi hoặc châu Á. Các nước thành viên không thường trực được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ hai năm xen kẽ, mỗi năm có năm thành viên mãn nhiệm và năm thành viên mới. Cùng với những đổi thay trên quy mô toàn cầu, Hội đồng Bảo an đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới, trong đó số lượng thành viên thường trực là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Theo một kế hoạch cải tổ được đề xuất gần đây, số thành viên thường trực có thể sẽ tăng thêm năm quốc gia nữa, trong đó các ứng cử viên được xem xét trước hết là Đức, Nhật Bản, Braxin, Ấn Độ và một quốc gia châu Phi (có thể là Nam Phi hoặc Nigiêria). Gần đây, đại diện của một số quốc gia gợi ý có thể năm thành viên thường trực mới sẽ không được trao quyền phủ quyết. Những đề xuất trên vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi.
Theo quy chế của Liên hợp quốc. Hội đồng Bảo an có quyền: điều tra bất cứ tình huống nào đe dọa hoà bình quốc tế; đề xuất các biện pháp nhằm giải quyết xung đột quân sự giữa các quốc gia; kêu gọi các quốc gia thành viên tạm thời cấm vận hoặc cấm vận hoàn toàn đối với một quốc gia nào đó nhằm thiết lập hoà bình; ra nghị quyết thi hành các biện pháp quân sự nếu xét thấy cần thiết.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT (Nuclear Non-proliferation Treaty) được Liên Xô, Mỹ, Anh và gần 40 nước có và không có vũ khí hạt nhân ký kết ngày 17-1968, tại Luân Đôn (Anh), Mátxcơva (Liên Xô), Oasinhtơn (Mỹ) và được Liên hợp quốc thông qua. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 5-3-1970, mở cho các nước tham gia; có hiệu lực 25 năm. Năm 1995, đã có 178 nước ký kết và đa số các nước thành viên đã cam kết kéo dài vô thời hạn. Nội dung chính của Hiệp ước quy định quyền không phổ biến vũ khí hạt nhân; giải trừ vũ khí hạt nhân và quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hoà bình.
Về quyền không phổ biến vũ khí hạt nhân, có năm nước được phép sở hữu vũ khí hạt nhân là Pháp (ký năm 1992); Trung Quốc (ký năm 1992); Liên Xô (ký năm 1968), nay là Nga; Anh (ký năm 1968) và Mỹ (ký năm 1968). Đây là những nước đã sở hữu vũ khí hạt nhân vào thời điểm hiệp ước được ký kết, cũng là các quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Năm nước này thoả thuận không chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác, còn các quốc gia chưa có vũ khí hạt nhân cam kết không sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm quốc gia có vũ khí hạt nhân cam kết không sử dụng chúng để chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân: trừ khi phải đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công thông thường có liên minh với quốc gia có vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, những cam kết này không được chính thức đưa vào hiệp ước, trong khi các chi tiết chính xác lại thường thay đổi theo thời gian. Thí dụ, Mỹ và Anh đã từng đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công thông thường của các “quốc gia bất trị”. Phàp và Nga cũng có chủ trương sử dụng đòn tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ nhằm đáp trả cuộc tấn công khủng bố nhằm vào họ.
Về giải trừ vũ khí hạt nhân, các nước có vũ khí hạt nhân theo đuổi mục tiêu cắt giảm và loại bỏ kho vũ khí của họ, tiến tới một hiệp ước giải giáp toàn diện dưới sự kiểm soát quốc tế nghiêm ngặt và hiệu quả; các nước có vũ khí hạt nhân tuyên bố không khuyến khích các nước không có vũ khí hạt nhân tìm cách sở hữu loại vũ khí này. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể rút khỏi hiệp ước nếu họ cảm thấy có những “biến động bất thường”, thí dụ như bị bất ngờ đe dọa tiến công quân sự.
Về quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hoà bình, các quốc gia đang sử dụng lò phản ứng hạt nhân để sản xuất năng lượng có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân hoà bình cho các nước khác với điều kiện các nước tiếp nhận không sử dụng công nghệ này để phát triển vũ khí hạt nhân. Nguyên tắc này của hiệp ước cho phép làm giàu urani để sản xuất năng lượng. Đây là kẽ hở lớn để các quốc gia có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân có thể lợi dụng để làm giàu urani nhằm mục đích quân sự.
Về quyền rút khỏi Hiệp ước NPT, cho phép một quốc gia nào đó đã tham gia ký kết có thể rời bỏ hiệp ước khi có “những biến cố bất thường, liên quan đến hiệp ước, gây thiệt hại cho những quyền lợi tối cao của quốc gia này”, sau khi thông báo trước trong vòng ba tháng. Trong thông báo cần ghi rõ lý do rời bỏ hiệp ước. Còn các nước thuộc NATO cho rằng, khi một quốc gia tuyên bố chiến tranh thì NPT sẽ không còn hiệu lực. Lúc đó, quốc gia này sẽ rời bỏ hiệp ước mà không cần thông báo trước. Chính phủ các nước thành viên ủy quyền cho Liên Xô (nay là Nga), Mỹ và Anh. Anh giữ vai trò thường trực. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đảm đương chức năng kiểm soát việc thi hành. NPT đã góp phần kiềm chế sự phổ biến vũ khí hạt nhân, làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.