Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng thống G.Bu-sơ nói: “Chúng ta đang làm cho hệ thống tài chính của mình thích ứng với thế giới trong thế kỷ XXI”.
Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố: “Cơ cấu tài chính toàn cầu được thiết lập từ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II hiện đã lỗi thời. Cần phải xây dựng và tái cấu trúc tài chính quốc tế, đảm bảo cho hệ thống đó hoạt động công bằng, hữu hiệu và hợp pháp”. Ông Đ.Mét-vê-đép đề nghị thành lập một ủy ban quốc tế chuyên nghiên cứu, soạn thảo các biện pháp để tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế. Đó là nhóm các chuyên gia kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới, có uy tín và hoạt động độc lập. Ông cũng đề nghị có các biện pháp trợ giúp các nước nghèo nhất thế giới thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài chính khu vực. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép còn đề nghị xem xét lại vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế và thành lập một số trung tâm tài chính thế giới, trong đó có trung tâm tài chính sẽ được thành lập ở Mát-xcơ-va.
Rõ ràng, dù thế nào đi nữa, trật tự kinh tế thế giới trong những năm tới sẽ khác so với trật tự đã từng hình thành trong mấy thập kỷ qua. Hệ quả là trật tự thế giới nói chung cũng sẽ khác trước. Trong bài phát biểu vận động tranh cử ngày 3-11-2008, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nói: “Bài học lớn nhất có thể rút ra được từ tình hình của nước Mỹ chúng ta vừa qua là từ nhà tài chính, nhà quản lý, nhà tỉ phú đến người công nhân Mỹ đều phụ thuộc nhau. Sự thịnh vượng của người này cũng là sự thịnh vượng của người khác”. Suy rộng triết lý này ra thế giới, có thể thấy, một hiện tượng tương tự: ngày nay tất cả các quốc gia trên toàn cầu đều phụ thuộc lẫn nhau, an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia này cũng là an ninh và thịnh vượng của quốc gia khác. Có lẽ, đó là những nét chấm phá đầu tiên cho trật tự thế giới mới công bằng hơn, bình đẳng hơn, dân chủ hơn… được gợi ý từ Hội nghị G-20 ở Oa-sinh-tơn vừa qua./.