Từ RIC đến BRIC: Một tổ chức quốc tế có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thế giới đương đại.
Trung tuần tháng 5-2008, tại thành phố Yekaterinburg của nước Nga diễn ra cuộc gặp đầu tiên cấp Ngoại trưởng của bốn nước đồng thời là bốn nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Như vậy, từ diễn đàn “tam giác chiến lược” Nga – Ấn Độ – Trung Quốc, gọi tắt là RIC, gồm ba chữ cái đầu tiên của ba nước là Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China), nay có thêm Brazil, trở thành BRIC, hình thành nên một tứ giác kinh tế và chính trị cạnh tranh với Diễn đàn G-8 của các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.
Việc lựa chọn Yekaterinburg là địa điểm nằm trên dãy núi U-ran trải dài xuyên qua hai lục địa châu Âu và châu Á làm nơi tổ chức diễn đàn BRIC năm 2008 thể hiện rõ sắc thái liên kết Á – Âu trong chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống V.Putin. Nếu dựa trên dự báo của nhiều chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế quốc tế cho rằng thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”, thì định hướng Á – Âu trong chiến lược đối ngoại của các nước trong tam giác chiến lược Nga – Ấn Độ – Trung Quốc nói lên nhiều điều.
“Cha đẻ” của ý tưởng xây dựng “tam giác chiến lược Nga – Trung – Ấn” là cựu Ngoại trưởng Liên Xô và là cựu Thủ tướng Nga, ông Pri-ma-cốp (Primacov). Khi lần đầu ông Pri-ma-cốp đề xuất ý tưởng này vào năm 1998, nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị và không ít chính khách lúc đó đánh giá là “không thiết thực” và “không có tính khả thi”. Mười năm sau, tam giác chiến lược Nga – Trung Quốc – Ấn Độ không những trở thành hiện tượng kinh tế – chính trị sống động mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ ra bên ngoài phạm vi lục địa Á – Âu, trở thành diễn đang có quy mô và tính chất toàn cầu.
Lần này, tại diễn đàn BRIC ở Yekaterinburg, các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã ra Thông cáo chung phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương của các nước phương Tây và kêu gọi các quốc gia cùng góp sức xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới dân chủ hơn và đa phương hơn, tiếp tục sự hợp tác giữa các nước mở rộng với G-8 trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng. BRIC cho rằng, sự phát triển bền vững về lâu dài của nền kinh tế thế giới cũng như các giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp thiết hiện nay như xóa đói giảm nghèo và chống bệnh tật chỉ có thể thực hiện được một khi các quốc gia tính đến lợi ích của nhau trong một hệ thống quan hệ kinh tế toàn cầu công bằng.
Cũng tại Hội nghị ngoại trưởng các nước BRIC lần này, Ngoại trưởng Nga khẳng định: “Chúng tôi là những nước phát triển nhanh nhất thế giới, có nhiều lợi ích chung trong thế giới toàn cầu hóa và chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong việc xây dựng một thế giới dân chủ, công bằng và ổn định hơn”. Còn Ngoại trưởng Bra-xin, ông Xen-lô A-mô-rim (Celso Amorim) tuyên bố: “Chúng tôi đang thay đổi trật tự thế giới hiện nay”. Ngoại trưởng của bốn nước thống nhất ghi nhận tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, y tế, dược phẩm, cứu trợ thảm họa và kinh tế. Sự bất đồng duy nhất trong cuộc gặp BRIC đầu tiên là Trung Quốc từ chối cam kết ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ và Bra-xin vào ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Nga đề xuất. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến quyết tâm của cả bốn nước trong việc thể chế hóa BRIC thành một diễn đ{n kinh tế và chính trị. Ngoại trưởng bốn nước đã đồng ý gặp lại bên lề cuộc họp lần thứ 63 Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9-2008 và gặp riêng tại Ấn Độ vào năm 2009 song song với cuộc gặp của các nước RIC.
Một động thái đáng chú ý là hai nước Bra-xin và Ấn Độ vừa là thành viên của BRIC, vừa là thành viên của Diễn đàn Đối thoại IBSA, gồm các nước Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi, tổ chức tại Nam Phi chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị BRIC ở I-a-ca-te-renbua. Vì thế, không loại trừ khả năng, sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa các diễn đàn này, trong đó Ấn Độ sẽ có vai trò đặc biệt như là sợi dây kết nối giữa họ.
Cũng tại I-a-ca-te-ren-bua, trong Thông cáo chung của RIC, lần đầu tiên đưa ra quan điểm chung của ba nước về các vấn đề quốc tế do Ấn Độ thay đổi lập trường về vấn đề Cô-xô-vô và I-ran. Về Cô-xô-vô, Ấn Độ cùng với Nga và Trung Quốc phản đối tuyên bố độc lập đơn phương và coi hành động đó là “trái với Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại giữa chính quyền ở Xéc-bi và ở Cô-xô-vô. Trước khi diễn ra hội nghị BRIC ở I-a-ca-te-ren-bua, Ấn Độ chỉ tuyên bố rằng họ “đang xem xét diễn biến tình hình”. Về I-ran, Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Mu-khây-de (Mukherjee), tuyên bố rằng, họ ủng hộ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của I-ran, nhưng phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời khẳng định rằng các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran phải do IAEA giải quyết. Ấn Độ chủ trương dùng giải pháp chính trị và ngoại giao thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran.
Một trong những thay đổi đáng kể nhất trong lập trường của Ấn Độ là vấn đề gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm Nga, Trung Quốc và bốn nước Trung Á. Năm 2007, Ấn Độ tham dự SCO với vai trò là quan sát viên, tuyên bố sẽ tránh tham gia SCO về mặt quân sự, chiến lược và chính trị. Lần này, tại I-a-ca-te-ren-bua, Ngoại trưởng Ấn Độ lần đầu phát biểu quan điểm muốn được là thành viên đầy đủ của tổ chức này và cảm ơn Nga và Trung Quốc khuyến khích Ấn Độ tham gia tích cực các hoạt động của SCO.