Ai sẽ giành quyền kiểm soát dầu mỏ – nguồn năng lượng chiến lược?

“Chiến tranh năng lượng” giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh để nhập khẩu dầu mỏ từ các nước Cận Đông, châu Phi, Trung Á và các khu vực khác. Ấn Độ đã đầu tư hơn 3 tỉ USD vào các đề án khai thác dầu mỏ ở Nga, Xu-đăng, Việt Nam, Mi-an-ma và Li-bi. Trong 10 năm tới, Đê-li dự kiến hàng năm đầu tư không dưới 1 tỉ USD vào các cơ sở dầu mỏ và khí đốt gần như trên khắp thế giới. Hiện nay, họ đang xem xét đề nghị của Ả-rập Xêút cùng phối hợp xây dựng một nhà máy chế biến dầu mỏ. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang xem xét các phương án cùng phối hợp để mua vốn hoạt động không chỉ của công ty dầu mỏ “Y-u-cốt” mà của nhiều hãng dầu mỏ khác của Nga.

“Chiến tranh năng lượng” giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ở châu Phi

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, sau 10 năm nữa, tỷ phần của châu Phi trên thị trường nhập khẩu dầu mỏ thế giới có thể leo lên tới mức 30%. Cũng theo tính toán của các chuyên gia, nếu Mỹ duy trì mức độ tiêu thụ dầu mỏ như hiện nay thì trong tương lai trung hạn, nguồn dầu mỏ và khí đốt từ châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Mỹ. Để bảo vệ lợi ích dầu mỏ của Mỹ ở châu Phi, năm 2007, Mỹ quyết định thành lập Bộ Chỉ huy quân sự châu Phi nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia của Mỹ bằng các biện pháp quân sự, giống như tình hình hiện nay ở Cận Đông. Một lần nữa, các lợi ích chiến lược của Mỹ đều định hướng vào các nguồn dầu mỏ của thế giới. Mỹ đã không ít lần tuyên bố, châu Phi là mối quan tâm đáng kể của Mỹ còn là vì Trung Quốc và Nga đang tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này. Tuyên bố của Mỹ chính thức thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi được đưa ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa đến thăm châu Phi nhằm phát triển ảnh hưởng kinh tế tại đây. Trung Quốc đang trở thành đối thủ tiềm tàng của Mỹ và các quốc gia Phương Tây trong cuộc tranh giành giật thị trường và tài nguyên ở châu Phi. Trung Quốc đã vượt xa nhiều hãng châu Âu và Mỹ trong việc khai thác tài nguyên ở châu lục này.

“Chiến tranh năng lượng” giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ở Cáp-ca-dơ

Ba quốc gia này đang cạnh tranh nhằm giành giật dầu mỏ ở khu vực Nam Cap-cadơ, nơi có các nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào tiềm ẩn. Sự ổn định ở Cap-ca-dơ là điều kiện có tầm quan trọng sống còn để bảo đảm chuyên chở không ngừng dầu mỏ và khí đốt từ vùng biển Ca-xpi, bao gồm Nam Cáp-ca-dơ và Trung Á, chiếm tới 3-4% nguồn dự trữ dầu mỏ và 4-6% nguồn dự trữ khí đốt của thế giới. Bản thân tỷ phần của Cáp-ca-dơ trong nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt toàn cầu không lớn lắm, nhưng trong bối cảnh nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt ở Trung Cận Đông không ổn định và an ninh thiếu tin cậy, Nga sử dụng tài nguyên năng lượng làm công cụ chính trị, thì
việc chuyển tải dầu mỏ và khí đốt ở vùng Ca-xpi và Trung Á sang Mỹ có giá trị quan trọng sống còn. Tầm quan trọng của khu vực này còn gia tăng do chính sách năng lượng của các nước tiêu thụ ở phương Tây đang muốn giảm sự phụ thuộc của họ vào dầu mỏ của Nga và khu vực Trung Cận Đông. Một số quốc gia và tổ chức đang có những nỗ lực ngoại giao để chấm dứt sự độc quyền của Nga trong việc chuyển tải năng lượng trong khu vực Á-Âu. Trong bối cảnh đó, Mỹ muốn có một khu vực Nam Cáp-ca-dơ ổn định để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và từng bước đẩy Nga ra khỏi khu vực này.

Danh mục: Dầu mỏ

Đề xuất